ĐÂY LÀ CẦU THỦ BÓNG ĐÁ XUẤT SẮC NHẤT TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM, THUỞ NHỎ MỖI LẦN ĐI CHƠI BÓNG ĐÁ VỀ LÀ 1 LẦN CẬU BÉ NÀY BỊ ĂN ĐÒN. TUY NHIÊN DÙ BỐ CẬU CÓ ĐÁNH MỎI TAY, CẬU CŨNG NHẤT QUYẾT THEO NGHIỆP BÓNG ĐÁ, BẠN CÓ BIẾT CẬU ẤY KHÔNG?
Huyền thoại Ba Đẻn: Từ đòn roi, khát vọng đến chinh phục 5 châu
NHM bóng đá Việt Nam vẫn không quên Ba Đẻn, đơn giản bởi ông là một huyền thoại, một hình mẫu cầu thủ đã biến mất khỏi bản đồ bóng đá của dải đất chữ S.
Nguyễn Thế Anh hay còn gọi Ba Đẻn là huyền thoại bất diệt của bóng đá Việt Nam. Ông sinh năm 1949 và ở tuổi chưa tròn 20 đã làm khuynh đảo làng bóng đá nước nhà, thậm chí khiến nhiều tên tuổi thời bấy giờ như Triều Tiên, Đức phải nể trọng.
Với những khả năng vượt trội về tốc độ, dừng bóng, hay dứt điểm, Ba Đẻn đã chiếm trọn vẹn tình yêu của NHM Việt Nam cũng như đông đảo fan bóng đá trên toàn thế giới.
Nhưng để đến được với vinh quang đó, Ba Đẻn đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, từ những trận đòn của cha tới con mắt coi thường của chính Thể Công…
Những trận đòn của cha:
Ba Đẻn sinh ra trong một gia đình bóng đá. Bố ông là cựu cầu thủ nổi tiếng miền Bắc, Nguyễn Văn Thìn. Các anh em trai của Ba Đẻn đều rất thích và hay đá bóng. Nhưng lạ một chỗ, tất cả đều thường xuyên phải ăn đòn roi từ cha mỗi khi say mê vào trái túc cầu.
“Mặc dù bố tôi là danh thủ nhưng nhà đông con, 9 người gồm 5 trai, 4 gái nên cuộc sống rất vất vả. Để nuôi đàn con đó, dù là cơm rau đi chăng nữa cũng rất mệt. Đành rằng ông cụ là danh thủ nhưng thời đó ai mà chẳng khó khăn. Bởi vậy cụ không thích cho con đi đá bóng, đi đá về là bị ăn đòn, bị cho là không ngoan vì giờ giấc, bữa cơm không quy củ”, cựu danh thủ Ba Đẻn chia sẻ.
Có tiếng trong giới đá bóng nghiệp dư, nhưng thực tế thì cụ Thìn sống nhờ nghề thợ điện. Chẳng thế mà kinh tế gia đình có nhiều thiếu thốn. Và Ba Đẻn cùng các anh em đã lớn lên, yêu cũng như rèn luyện bóng đá ở sân phủi Long Biên.
“Sáng 11h đi học về thì ăn cơm vội vàng, rồi 1, 2h chiều chân đất chạy ra sân Long Biên đá tới 6,7h mới về. Lúc đó chúng tôi đá rồi nghỉ rồi lại đá suốt không biết chán”, Ba Đẻn tiếp.
Thời trẻ thơ ấy, Ba Đẻn đá bóng dưới nắng nôi nhiều tới mức người đen trũi như cột nhà cháy. Mà đâu chỉ có nắng, các "ổ trâu, ổ gà" hay gạch đá, mảnh sành trên sân Long Biên giống như những cái bẫy mà từng giây, từng phút Ba Đẻn phải vượt qua, chứ không sung sướng như các thế hệ tài năng trẻ bây giờ, được tập luyện và đá bóng từ rất sớm trên các mặt cỏ nhân tạo.
Chính những cái bẫy ấy, đã không ít lần khiến Ba Đẻn ngã sưng chân hay chảy máu. Song ông vẫn luôn nhịn đau để tiếp tục niềm đam mê với trái túc cầu. Khổ luyện từ nhỏ là vậy nhưng con đường để khắc tên vào lịch sử bóng đá của huyền thoại này còn rất nhiều chông gai.
* Vì đá bóng nhiều dưới nắng đến mức đen trũi, nên Thế Anh mới mang biệt danh Ba Đẻn (đọc chệch từ "đen"). Sau này, ông có biệt danh khác, như "Con sóc nhỏ" do bạn bè Cu Ba đặt cho.
Thử thách mang tên Thể Công và hành trình lột xác của Ba Đẻn
Thiên tài sẽ chẳng là gì nếu thiếu đi quyết tâm và sự chăm chỉ. Tại sân bóng phủi Long Biên, Ba Đẻn đã tạo nên tên tuổi của mình như là cầu thủ tinh quái, kỹ thuật và tốc độ nhất. Nhưng ngặt một điều là đến lúc xin vào đào tạo trẻ ở Thể Công, ông lại bị từ chối. Lý do Thể Công đưa ra là Ba Đẻn quá nhỏ con, lại chân vòng kiềng.
“Lúc đó Thể Công tuyển chọn cầu thủ rất đình đám, trên toàn quốc nên có nhiều ứng viên. Có tới 40 người được chọn lựa còn tôi thì gầy, đen, chân vòng kiềng nên gặp nhiều khó khăn. Lúc đó quyết tâm lắm để chứng tỏ bản thân, phấn đấu tới cùng. Mình bé nhưng phải đá thật hay cho người ta biết".
Ngày được Thể Công tạm chấp nhận, nhưng vẫn nhìn với ánh mắt e dè, Ba Đẻn đã nung nấu quyết tâm phải chứng tỏ bản thân. Không quản nắng mưa, gió rét, Thế Anh tập ngày, tập đêm, hết tập kỹ thuật lại tập sang thể lực. Ấy là chưa kể những "bài tập thêm" khi đất nước còn đang thời chiến đầy khó khăn.
"Hồi đó khổ lắm, đội Thể Công đi sơ tán liên miên. Đá bóng thì ít, đào hầm hố với tập bắn súng thì nhiều. Có lúc chúng tôi còn lên trường lục quân học đánh nhau. Cầu thủ khi đó không được đãi ngộ gì cả, chúng tôi cũng phải tham gia sản xuất như bình thường, nhẹ hơn lính chuyên nghiệp nhưng mỗi tháng là phải đóng 20 kg xu hào!"
Chỉ sau một thời gian ngắn, vẫn là cậu bé nhỏ con đó nhưng với thân hình rắn chắc cùng tốc độ tuyệt vời và kỹ thuật thì miễn chê, Ba Đẻn đã khiến Thể Công phải nhìn ông bằng con mắt khác. Kết quả là ngay sau đó Ba Đẻn được cho sang Triều Tiên tập huấn 1 năm. Đó là lúc ông đã tạo dựng tên tuổi của mình trên trường quốc tế ở cấp độ trẻ.
“Khi tôi và các đồng đội sang Triều Tiên tập huấn, họ coi thường và chỉ vào lứa U15 bé bé, ý rằng chúng tôi chỉ đá được với đội đó thôi. Rồi sau 1 thời gian tập luyện, thể lực toàn đội tăng lên, chúng tôi đá thắng hết các đội trẻ của họ. Khi về đá với ĐTQG Triều Tiên cũng chỉ thua sát nút 1-2 thôi. Mà hồi năm 1966, Triều Tiên đi đá World Cup thắng cả Italia, hòa Chile chỉ chịu thua Bồ Đào Nha ở vòng loại trực tiếp thôi!”
Theo lời Ba Đẻn kể, dù đả bại các đội nước chủ nhà, nhưng lối đá của ông cùng các đồng đội khi đó đã làm say mê khán giả Triều Tiên. Một viên tướng của quân đội Triều Tiên thậm chí còn ra quyết định lạ lùng vì Ba Đẻn và đội trẻ Thể Công.
“Có ông Trung Tướng Triều Tiên rất thích xem Thể Công đá. Có lần ông ấy đã kêu hoãn trận Thể Công gặp Hải Quân Triều Tiên lại, để chờ ông ấy đi công tác về mới đá còn tiện xem”, Ba Đẻn hào hứng nhớ về những kỉ niệm khó quên.
Thăng hoa ở đội một Thể Công
Trở về Việt Nam sau 1 năm tập huấn, Ba Đẻn lập tức được đôn lên đội một và nhanh chóng chiếm lấy vị trí chính thức. Từ đó, NHM Việt Nam bắt đầu được chứng kiến một cầu thủ chạy cánh trái đầy mê hoặc.
Không chỉ liên tục giúp Thể Công gặt hái vinh quang trong nước, với các chức vô địch miền Bắc năm 1970, 1972, 1973, 1975, 1976 mà vào 2 năm 1982 và 1983, Ba Đẻn còn cùng CLB quân đội vô địch toàn Việt Nam.
Song đó chưa phải là những dấu ấn lớn nhất tạo nên tên tuổi của một huyền thoại. Khi sang Đức và Cu Ba cũng như nhiều quốc gia khác thi đấu, Ba Đẻn đã gây ra những tiếng vang khắp toàn cầu.
“Khi tôi ở Đức 6 tháng, khán giả tại đó thấy bé bé nên hiếu kì. Nhưng rồi thấy mình đá hay, nên họ yêu thích. Mình đi đâu đá họ cũng theo để xem”.
Trên đất Cu Ba, Ba Đẻn lúc bấy giờ còn được báo giới nước bạn phong tặng danh hiệu Chú sóc nhỏ châu Á, vì khả năng xoay trở, tăng tốc quá siêu phàm khiến rất nhiều hậu vệ danh tiếng của đối phương bị qua mặt như bỡn.
* Ngày đầu lên đội một Thể Công, Ba Đẻn đá cắm thay vị trí của lão tướng Văn Sỹ Chi, lúc bấy giờ đã hơn 30 tuổi. Khi đó, Văn Sỹ Chi đã bật khóc bởi phải ngồi ngoài: “Cũng phải thôi vì thời của tôi, ai cũng thi đấu say mê lắm nên bị mất vị trí rất buồn. Sau trận đó, tôi được đẩy sang cánh trái đá thay anh Vũ Thế Lâm, cũng đã cao tuổi. Còn Văn Sỹ Chi trở lại vị trí cắm”.
* Dù sở hữu rất nhiều vinh quang, nhưng Ba Đẻn chia sẻ ông không nhớ vinh quang nào cụ thể. Bởi mỗi trận đấu ông đều vào sân với ý chí quyết thắng và lòng say mê vô tận. Khi đó, mỗi trận đấu đều là một kỉ niệm đặc biệt với ông. “Mình chơi bóng không chỉ để khán giả sướng mà cho chính mình sướng. Những khi qua người, ghi bàn vui lắm chứ nên trận nào cũng quyết tâm, cũng đong đầy kỉ niệm.
Như khi được báo sắp đá với Cu Ba, toàn đội hừng hực khí thế từ vài tháng trước trận. Rồi đến khi được ra sân thì hạnh phúc lắm”, Ba Đẻn say mê chia sẻ.